Quả na vị ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng...
Cây na tùy thuộc vào từng địa phương còn gọi là mãng cầu, mãng cầu ta, màng cầu dai, tên khoa học Annona squamosa L.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, lá, quả và hạt.
Đông y cho rằng quả na vị ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng. Hạt na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng.
Lá cũng có tác dụng kháng sinh tiêu viêm, sát trùng. Rễ cầm ỉa chảy. Có công dụng chữa kiết lỵ, tiết tinh, đái tháo, bệnh tiêu khát. Quả xanh dùng chữa lỵ và tiêu chảy. Quả na điếc dùng trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng. Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ và vỏ cây dùng trị ỉa chảy và trục giun.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây là những gợi ý những phương thuốc trị liệu từ cây na.
Đi lỵ ra nước không dứt: 10 quả na ương (chín nửa chừng) lấy thịt ra, còn vỏ và hạt cho vào hai bát nước, sắc còn một bát, ăn thịt quả và uống nước sắc.
Nhọt ở vú: Quả na điếc mài với dấm bôi nhiều lần.
Trị mụn nhọt sưng tấy: Lá na, lá bồ công anh, cùng giã đắp.
Sốt rét cơn lâu ngày: Vò một nắm lá (20-30g) giã nhỏ, chế thêm nước sôi vào vắt lấy một bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sáng hôm sau thêm tí rượu quấy uống trước lúc lên cơn hai giờ. Mỗi ngày uống một lần, uống liền 5-7 ngày.
Trị giun đũa chòi lên ợ ra nước trong: Dùng một nắm rễ na mọc về hướng Đông, rửa sạch, sao qua, sắc uống thì giun ra.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Nhận xét
Đăng nhận xét